Kinh nghiệm triển khai hệ thống lưu trữ SAN trong các doanh nghiệp nhỏ

Các doanh nghiệp nhỏ (SMB) thường phải đối mặt với một số trở ngại khi lập kế hoạch và thực hiện việc triển khai hệ thống lưu trữ SAN. Các kinh nghiệm sau sẽ giúp quá trình triển khai diễn ra thuận lợi hơn.

Hệ thống lưu trữ SAN – ngay cả những hệ thống được thiết kế cho SMB – có thể tốn kém chi phí và phức tạp để triển khai. Điều này làm cho việc lập kế hoạch triển khai SAN một cách cẩn thận là điều rất quan trọng.

Đối với người mới bắt đầu, cần xác định mục tiêu và yêu cầu lưu trữ của hệ thống, đồng thời lập kế hoạch cho một hạ tầng lưu trữ phù hợp. Các kinh nghiệm thực hành hay nhất dưới đây có thể làm trơn tru quá trình triển khai SAN của bạn.

Giải pháp ảo hóa hạ tầng lưu trữ

Mặc dù những kinh nghiệm này có thể áp dụng cho các tổ chức thuộc bất kỳ quy mô nào, nhưng chúng đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thường ít nguồn lực có sẵn hơn.

1. Xác định các mục tiêu của SAN. Bất kể quy mô của nó như thế nào, một công ty cần hiểu rõ ràng về lý do tại sao họ cần triển khai SAN. Ví dụ, một mục tiêu chung là hợp nhất nền tảng lưu trữ của doanh nghiệp. Hợp nhất hỗ trợ việc sử dụng tài nguyên hiệu quả và giúp công ty đáp ứng các yêu cầu về bảo mật và tuân thủ các quy định về dữ liệu. Các lý do khác để triển khai SAN là để cải thiện hiệu suất lưu trữ, tối đa hóa tính khả dụng và triển khai phương án Khắc phục sau thảm họa (DR).

2. Xác định các hệ thống (workload) nào sẽ chạy trên SAN. Việc triển khai SAN thích hợp đòi hỏi sự hiểu biết về những ứng dụng nào sẽ dựa vào hệ thống lưu trữ. Các ứng dụng này có thể là hệ thống cơ sở dữ liệu, mail server hoặc hạ tầng ảo hóa máy chủ. Xác định các yêu cầu lưu trữ cho từng ứng dụng – hiệu suất, dung lượng, tính khả dụng, v.v… – cùng với lượng dữ liệu dự đoán và tốc độ tăng trưởng dự kiến. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường có ngân sách và nguồn lực hạn chế, vì vậy phương pháp hay nhất này đảm bảo họ triển khai chính xác các hệ thống mà họ cần.

3. Xây dựng kế hoạch chi tiết. Xác định cấu trúc liên kết và các thành phần cần thiết để đáp ứng các mục tiêu của SAN và hỗ trợ các ứng dụng cần đến nó. Xem xét các yêu cầu lưu trữ cụ thể của từng ứng dụng. Một kế hoạch triển khai SAN phải xác định cấu trúc liên kết mạng (network topology) cụ thể, chẳng hạn như core-edge hoặc full mesh, cũng như công nghệ mạng chính, thường là Fibre Channel (FC) hoặc iSCSI. Mạng iSCSI thường có chi phí rẻ hơn, linh hoạt và ít phức tạp hơn FC, điều này có thể thích hợp với các công ty có quy mô nhỏ hơn. Ngoài ra, kế hoạch nên nêu chi tiết các thành phần vật lý, chẳng hạn như các bộ Switch, Host Bus Adapter (HBA) và mảng lưu trữ. Bản kế hoạch cũng cần trình bày các công nghệ hỗ trợ, bao gồm RAID Level, LUN mappings hoặc các tính năng khai thác hiệu quả lưu trữ như thin provisioning, deduplication và nén dữ liệu.

4. Hãy nghĩ đến bảo mật ở mọi giai đoạn. Mặc dù các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có ngân sách và nguồn lực sẵn có cho doanh nghiệp, nhưng họ cũng phải thận trọng về bảo mật và tuân thủ các quy định hiện hành. Các cuộc tấn công mạng đang gia tăng chống lại các SMB. Họ phải thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa, đặc biệt nếu họ sử dụng mạng iSCSI dùng chung cho các dữ liệu của họ, đó là cách tiếp cận phổ biến đối với các công ty nhỏ. Các SMB phải thực hiện các biện pháp bảo mật nhằm ngăn chặn truy cập trái phép vào dữ liệu và đảm bảo các ứng dụng chỉ có thể truy cập vào bộ nhớ được phân bổ của riêng chúng. Các biện pháp bảo vệ an ninh bao gồm khoanh vùng, vô hiệu hóa các cổng không sử dụng, thực hiện kiểm soát truy cập, ghi nhật ký sự kiện (Event Log), thiết lập cảnh báo, giám sát hệ thống và cấu hình security policy.

5. Xây dựng cơ chế bảo vệ dữ liệu. Kẻ cả các cấu hình SAN nhỏ hơn cũng nên bao gồm các cơ chế DR bảo vệ chống mất dữ liệu. Ví dụ: triển khai replication đồng bộ hoặc bất đồng bộ để ánh xạ dữ liệu được lưu trữ. Đồng thời sử dụng các bản sao lưu hoặc snapshot off-site. Tự động hóa hoàn toàn tất cả các biện pháp bảo vệ để đảm bảo dữ liệu được bảo vệ liên tục và khả năng khôi phục nhanh nhất có thể. Thực hiện kiểm tra tính toàn vẹn của dữ liệu để xác minh dữ liệu không bị hư hỏng.

6. Đảm bảo độ tin cậy và tính sẵn sàng. Cũng giống như các doanh nghiệp quy mô lớn khác, các doanh nghiệp nhỏ cũng có nhu cầu chạy các ứng dụng quan trọng. Chúng yêu cầu lưu trữ có thể cung cấp độ tin cậy và tính sẵn sàng cần thiết để đảm bảo hoạt động liên tục. Để đáp ứng các yêu cầu này, hãy xây dựng cơ chế Redundancy vào toàn bộ hệ thống SAN để ngăn chặn bất kỳ điểm lỗi nào. Điều này có thể áp dụng cho HBA, bộ chuyển mạch, bộ nguồn, cổng truy cập mảng lưu trữ, I/O path, cấu hình RAID hoặc bất kỳ thành phần hoặc cấu hình nào khác để đảm bảo khả năng chịu lỗi.

7. Xây dựng chiến lược quản lý. Triển khai cơ sở hạ tầng SAN chỉ là một phần của câu chuyện. Một cách tiếp cận toàn diện để quản lý là rất quan trọng. Nhân viên IT phải giám sát các hoạt động của SAN và chủ động giám sát hạ tầng lưu trữ. Tìm kiếm các sản phẩm SAN tự động hóa các hoạt động bảo trì định kỳ, giúp dễ dàng xác định và khắc phục sự cố, đồng thời tạo điều kiện quản lý từ xa, đặc biệt là trong thời đại dịch COVID-19.

8. Lập kế hoạch cho tương lai. Để cấu hình lại một SAN là một nhiệm vụ không hề nhỏ, đặc biệt là đối với một doanh nghiệp có nguồn lực hạn chế. Mộ hệ thống SAN được chuẩn bị tốt hơn cho các yêu cầu hệ thống trong tương lai thì càng dễ dàng đáp ứng chúng khi đạt đến mức độ như dự báo. Khi lập kế hoạch triển khai SAN, hãy nghĩ về tương lai. SAN phải đủ linh hoạt để đáp ứng cả những điều mong đợi và bất ngờ. Bằng cách triển khai một thiết kế linh hoạt, một doanh nghiệp nhỏ có thể bắt đầu với quy mô nhỏ và phát triển hạ tầng lưu trữ khi cần thiết. Doanh nghiệp sẽ có thể mở rộng quy mô SAN khi các yêu cầu trong tương lai thay đổi, với rất ít hoặc không có downtime.

Những thách thức với việc triển khai SAN trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ

SAN có thể mang lại cho các SMB nhiều lợi ích, bao gồm hiệu suất cao, khả năng mở rộng và tính khả dụng, nhưng chúng cũng đi kèm với một số thách thức.

  • Việc triển khai có thể là một quá trình phức tạp đòi hỏi kiến ​​thức chuyên môn để lập kế hoạch cấu trúc liên kết của mạng, chọn các thành phần phù hợp và triển khai mạng vật lý. Mạng có các bộ chuyển mạch, hệ thống cáp, HBA, các port ở bộ xử lý lưu trữ, mảng lưu trữ và các thành phần khác. Nó có thể đặc biệt khó khăn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ với đội ngũ IT nhỏ và ngân sách hạn chế.
  • Quản lý SAN mang đến một cấp độ phức tạp của riêng nó. Một nhóm IT phải có khả năng duy trì, giám sát và hỗ trợ tất cả các thành phần của mạng lưu trữ, bao gồm nhiều hệ thống và công nghệ phức tạp. Bộ phận IT cũng phải duy trì bảo mật và bảo vệ dữ liệu, giữ cho hệ thống ở hiệu suất cao nhất và đảm bảo độ tin cậy và tính khả dụng liên tục. Đối với một số doanh nghiệp SMB, đây có thể là một thách thức vì họ không có đủ kiến ​​thức chuyên môn cần thiết. Các khoản đầu tư thuê ngoài hoặc đào tạo có thể là cần thiết.
  • Hầu hết các SAN đều đi kèm với một mức giá cao hơn nhiều. Ngay cả một SAN hướng tới phân khúc SMB cũng yêu cầu các thành phần dự phòng, hiệu suất cao. Chi phí tăng lên nhanh chóng. Chi phí triển khai và bảo trì SAN tiếp tục góp phần làm tăng chi phí sở hữu, đặc biệt là khi bộ phận IT phải đưa các chuyên gia bên ngoài vào hoặc đầu tư vào vấn đề đào tạo, chuyển giao.
____
Bài viết liên quan

Vanito Hoang

Góp ý / Liên hệ tác giả

Đội ngũ của Nhất Tiến Chung sẵn sàng tư vấn giải pháp, chạy BOM, báo giá mọi nhu cầu CNTT của Quý doanh nghiệp. Vui lòng liên hệ:

Trung tâm Giải pháp NTC
Hotline: 1900 558879 #2
Email: presales@nhattienchung.vn